Featured Post

Lời Mở Đầu

Có những ngày chớm thu ở vùng bắc Mỹ - gió thổi khô và se lạnh, lá phong lao xao chuyển màu vàng hay tím đỏ, cỏ úa hai bên đường... Hoặc nhữ...

Friday, February 5, 2016

Học trò đầu tay tưởng nhớ cô Tôn Nữ Kim Phượng

Sau khi đọc bài

Huy hiệu Trường Trung Học Trần Hưng Đạo và để tưởng nhớ người tác giả: cô Tôn Nữ Kim Phượng

anh Nguyễn Ngọc Minh (con trai của thày Nguyễn Ngọc Quỳnh dạy Anh Văn) đã chia xẻ và cho phép tôi đăng lại những dòng sau đây:

Học trò đầu tay tưởng nhớ Cô Tôn Nữ Kim Phượng.(Nguyễn Ngọc Minh)

Cô ra đi đã hơn 15 năm. Mãi tới giờ tôi mới được biết.


Hôm nay mở cuốn Học Bạ Đệ Nhất Cấp Trường Trần Hưng Đạo ra xem, tôi tìm lại dược bao kỷ niệm cũ ...

Lần đâu tiên tôi học Cô Kim Phượng là năm 1962 (năm tôi Đệ Ngũ). Lúc ấy Cô vừa được bổ nhiệm đến trường để dạy môn vẽ.

Hôm kia đọc bài của Hoạ Sĩ Đinh Cường viết về Cô Kim Phượng, trong đó có hình ảnh của một vài tranh vẽ nổi tiếng nhất của Cô Phượng. Tôi giật mình và sửng sốt khi thấy những sự trùng hợp kỳ lạ không giải thích đươc!
http://dinhcuongpaintings.blogspot.com.au/.../733-inh...

Chuyện lạ là thế này:

Trong những năm học đại học xa nhà, một trong những cái thú giải trí của tôi là vẽ tranh. Chắc hẳn là vì những gì Cô Phượng dạy và chỉ bảo tôi từ bao năm trước đã để lại cho tôi những nguồn cảm hứng và đam mê để theo đuổi con đường nghệ thuật này. Nhưng tôi chỉ vẽ để giải trí, giải sầu, thư giãn - chứ không hề có ý muốn mang danh "hoạ sĩ" vào người.
Trong những năm học vẽ thời Đệ Nhất Cấp thì không hề có môn vẽ tranh sơn dầu trong lớp. Ngoài ra, từ trước tới giờ, tôi chưa hề thấy những bức tranh nổi tiếng ấy của Cô Phượng. Thế mà không hiểu tại sao và duyện cớ gì mà vài bức tranh tôi vẽ khoảng năm 1969 (và còn giữ cho tới bây giờ) khá giống các tranh vẽ của Cô. Giống từ nội dung, đề tài, cho đến phong cách vẽ - như là cùng theo một trường phái.

Hay là trong tiềm thức, Cô đã âm thầm "truyền nghề" cho mình từ lúc nào mà mình không hay?

Đây là bức tranh của Cô Phượng với tựa đề "Kiến Trúc Xám" ( Construction in grey ):




Và đây là 2 bức tranh của tôi, cũng về đề tài "kiến trúc" và kiểu vẽ thì khá giống. Bức mầu xanh là "Phố Cũ" trước khi bị "kiến trúc hoá". Bức mầu nâu tối là "Phố Mới" - Cùng 1 con đường, nhưng đã bị tối xám vì các nhà cao tầng mới xây che mất đi ánh sáng mặt trời!





Thêm đây là bức tranh của Cô Phượng với tựa đề "Kẻ Lạ" (The unknown woman )



Và đây là 1 bức tranh tương tự của tôi:

Và thêm đây là một chuyện lạ không thể giải thích được:
Thời sinh viên tôi vẽ để giải sầu khá nhiều. Cho đi một số làm quà tặng, bán đi một số. Bây giờ tôi chỉ còn lưu trữ được vỏn vẹn có 5 tấm. Mà không hiểu sao những tấm còn giữ được này lại là những
 tấm giống tranh của Cô!

Cuối cùng, tôi xin nhắn đến Cô vài dòng:

Em gửi đến Cô vài tấm hình em vẽ. Mong cô xem và thấy thích thú về những sự trùng hợp thú vị. Có lẽ cũng do Cô đã "truyền nghề" cho em một cách kỳ diệu mà khoa học không thể giải thích được.

Minh

Wednesday, February 3, 2016

Lời Mở Đầu

Có những ngày chớm thu ở vùng bắc Mỹ - gió thổi khô và se lạnh, lá phong lao xao chuyển màu vàng hay tím đỏ, cỏ úa hai bên đường... Hoặc những chiều nắng tắt đâu đó trên giải đất Úc châu vùng nam bán cầu - giăng giăng mây bạc, hiu hắt vài cánh chim xiêu bạt về một phương trời thẳm mù... Những lúc ấy, bất chợt, hình ảnh về một thành phố và ngôi trường xưa trong ký ức dường như lại hiện về, rõ nét hơn cả.

Trường cũ nằm trên đồi - ba dãy nhà chính, bốn hướng thông reo. Những chiều tiết đông có mưa bụi, gió cuốn những hạt mưa li ti như cỡi sóng hắt vào đến tận cửa lớp học. Những buổi sáng đầu xuân sương mù, sương dầy đặc, chỉ đứng xa dăm thước đã không thấy rõ mặt người - đám học trò đứng tụ tập thành từng nhóm nhỏ trong sân trường, run rẩy lén chuyền nhau những mẩu thuốc lá đầu đời...

Những ngày ấy tưởng đã xa như trong cổ tích, khuất lấp tháng năm... vẫn thảng hoặc hiện về kỷ niệm, soi rõ mặt người... Đám bạn bè thiếu niên trong một mùa thi, nao nao buồn như lời nhạc tiền chiến một thuở xa xưa nào:

Một mùa thi, một mùa thi,
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng

--Văn Cao--

Đã gần 30 năm qua, kể từ ngày đám học trò THD72 rời xa trường xưa, chập choạng vào đời bước chân chim. Con người ngây thơ mà cuộc đời thì bão động... Kẻ mất người còn, đám bạn cũ giờ xa nhau trùng trùng nửa vòng quay trái đất... Biết nói gì? Hồ Vạn Kiếp bên cạnh trường đã lấp lâu lắm rồi, từ thuở đám thiếu niên còn chưa lạc bước đi xa. Bãi đất hoang ấy biết nay có còn, như một chứng tích cho bi cảnh "thương hải tang điền"?

Sau cùng, muốn nói với những người bạn THD72 mà hôm nay không còn có mặt - đã khuất xa, đã đi qua cuộc đời vốn dĩ ngắn ngủi, vô thường: xin biết cho rằng trong sinh hoạt thân hữu của nhóm THD72 ngày nay, các bạn vẫn luôn luôn có mặt.

Nhóm THD72 (Cái Bang).


(cập nhật ngày 8 tháng 4 2021 để hiện lên trên cùng của trang)

Tuesday, February 2, 2016

Huy hiệu Trường Trung Học Trần Hưng Đạo và để tưởng nhớ người tác giả: cô Tôn Nữ Kim Phượng.



Hôm qua đọc trên facebook thấy cô Hàn (phu nhân của thày Hoàng Trọng Hàn) khen: "Một trong những huy hiệu đẹp nhất... Không biết mình có chủ quan không?"

Lời bình phẩm của cô Hàn lại đúng vào lúc nhớ lại mùa niên lễ xưa đã thúc đẩy tôi viết lên bài này; tôi đã muốn ghi lại những cảm nghĩ này nhưng cứ khất mãi cho đến hôm nay.


Người vẽ huy hiệu này là cô Tôn Nữ Kim Phượng, giáo sư hội hoạ của trường Trung Học TrầnHưng Đạo Đà Lạt vào thập niên 1960.

Chúng tôi được học cô Phượng vào những năm đệ thất đến đệ tứ (1965-1970). Là thằng bé không có khiếu vẽ chẳng biết gì về hội hoạ nhưng cũng cố theo dõi những lời giảng của cô lúc ấy vì cô chỉ dẫn rất là chi tiết và cặn kẽ.  Thật ra bây giờ đọc các bài viết dưới đây mới biết mình hồi đó được học với một trong những thiên tài hội hoạ của Việt Nam. Không biết cô rời THĐ năm nào vì sau khi đệ nhị cấp chúng tôi không học vẽ nữa.

Mới vào ngưỡng cửa Trung Học chúng tôi chỉ nhớ cô Phượng đúng là một tiểu thơ cúa xứ Huế.  Cô rất hiền nhưng rất nghiêm khắc trong lớp, cô giảng bài rất từ tốn và chỉ dẫn rất kỹ lưỡng về những kỹ thuật để có thể vẽ đẹp.  Trong đám học sinh chắc chỉ có vài đứa lãnh hội được những điều cô dạy (trong đó có Hồ Tá Hùng, người bạn có 10 cái hoa tay).  Với những đứa vẽ xấu như tôi, cô không bao giờ chê, chỉ phê bình khuyết điểm rồi cũng cho điểm trung bình.

Tôi cũng xin mạn phép nhắc lại lời tâm sự của một giáo sư nam, cũng từ Huế, với đám bạn Cái Bang chúng tôi vào khoảng 10 năm trước: "ngày ấy cô Phượng đúng là một tiểu thư, tôi mà có thích thì cũng không dám ngỏ ý".

Thuở ấy cô đi dạy bằng xe taxi.  Có một người bạn Cái Bang nói: "không biết lương giáo sư có đủ để cô trả tiền taxi không?".  Đó chắc cũng để diễn tả một khía cạnh tiểu thơ của cô.

Tôi tình cờ sưu tầm được tấm hình dưới đây:


Cô Phượng là người mặc áo len đứng cạnh hoạ sĩ Đinh Cường (thứ 2 bên trái). Trong hình có cả ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây chắc cũng là những ngày ở Đà Lạt mà hoạ sĩ Đinh Cường đã ghi lại trong bài viết của ông.

Khoảng thập niên 90, người bạn Cái Bang của chúng tôi, Nguyễn Công Thành, lái xe tải chở hàng ra miền Bắc.  Thành tình cờ biết được cô Phượng đã đi tu.  Bạn Thành hay ghé ngôi chùa cô tu và thăm cô mỗi khi đi ngang Huế.  Tôi nhớ sau năm 2000, Thành có gửi tôi tấm ảnh cô trên bàn thờ sau khi Thành ghé chùa và bàng hoàng nghe tin cô Phượng đã rời cõi tạm.

Gần đây đọc đươc hai bài của hoạ sĩ Đinh Cường tôi mới biết  mình đã dược chỉ dẫn bởi một hoạ sĩ tài ba mà người hoạ sĩ tên tuổi như Đinh Cường cũng phải tấm tắc khen. Tôi tuy không vẽ dẹp nhưng vẫn còn giữ được tấm huy hiệu đẹp số một không hai và cũng để nhớ đến người cô hiền dịu.

Bùi Việt Hùng
(THĐ 65-72)

2 bài viết dưới đây của hoạ sĩ Đinh Cường tuy cùng một tên nhưng nội dung có khác nhau:


ĐINH CƯỜNG
Tôn Nữ Kim Phượng - người họa sĩ xa lạ ấy
hay một cây bông Phượng Vàng xưa quý, hiếm 
của Huế
(click here)

Saturday, January 30, 2016

Tưởng nhớ thày Đặng Ngọc Ấn

Theo truyền thuyết dã sử Việt Nam thì khi bỏ đất Bắc đem gia quyến trốn vào Nam, Nguyễn Hoàng cho đốt một cây đuốc lớn để soi đường đoàn người đi và khấn với thần linh rằng đi đến nơi nào đuốc tắt thì dừng lại đó để lập nghiệp, vì đó là đất "linh", đất "thánh" ... Thế rồi đoàn người đi đến Thuận Hóa thì đuốc tắt (chắc hết dầu) và Nguyễn Hoàng dừng lại Huế để lập nghiệp, khởi đầu cho cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc ta ... Từ đó đến nay, Huế vẫn nổi tiếng là đất của tao nhân nghệ sĩ ... Thầy Ðặng Ngọc Ấn là người xứ Huế ...

Trước khi thầy Ấn và tôi có tình "sư môn" (thầy trò) thì đã có chút tình "hương đảng" (hàng xóm) - đó là ghép chữ Hán mà viết chơi như vậy ... Lúc đó tôi mới khoảng 10 tuổi chưa vào trung học thì thầy Ấn - chắc mới từ Huế vào Dalat - mướn phòng ở trọ cách nhà tôi một căn trong con hẻm mà sau này có tên là Tăng Văn Danh, sau lưng đường Võ Tánh. Tôi vẫn còn nhớ rõ thầy Ấn có khuôn mặt rất "bảnh trai" và dáng dấp điềm đạm; thấp thoáng bóng nghệ sĩ sau lưng một nhà giáo ... Cô Quyên vợ thầy Ấn người nhỏ nhắn, nhu mì, trông thầy và cô rất "đẹp đôi" và lúc đó tôi nhớ họ đã có một hoặc hai cậu Ấm cô Chiêu gì đó còn bế trên tay ...

Rồi cũng chỉ có vậy! Cuộc đời Dalat thì lúc nào cũng "chỉ có vậy", trôi qua bình thản như mưa phùn trên đất đỏ ... Ðến năm lớp 11, tức là lớp thi tú tài I, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy vị giáo sư dậy mình môn Việt Văn lại là thầy Ðặng Ngọc Ấn, ông "hàng xóm" ngày xưa (thầy Ấn không hề biết tôi là hàng xóm) và tôi rất thích vì chưa phải học hành gì đã được nghe thầy Ấn nói giọng Huế rất dễ nghe, giọng thầy hơi "trong" và nhẹ chứ không "đục" và nặng như các giọng Huế thường thấy ... Và quả nhiên, một nghệ sĩ dậy Việt Văn thì bao giờ cũng bay bướm, tự nhiên là vậy ... Thầy đọc thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương nghe rất êm tai ... Lúc đọc bài thơ "Hỏi Thăm Quan Tuần Mất Cướp" của Nguyễn Khuyến đến câu "cướp của đánh người quân tệ nhỉ" - thì chữ "tệ" thầy phát âm giọng Huế nghe rất ... "đạt" ...

Tôi còn nhớ 100% có lần thầy Ấn tự nhiên hỏi bâng quơ trong lớp: "Các anh biết mai mốt hòa bình thì tôi thích sẽ được làm gì không?" - rồi thầy tự trả lời luôn: "Tôi sẽ đi xe Honda từ Nam ra Bắc, đi đến đâu tự kiếm ăn tới đó, với thiên nhiên Việt Nam, chắc chắn mình không đói" ... Lúc đó tôi nghe vậy thì biết vậy chứ chưa đủ trưởng thành để hiểu cái ước mơ "đi từ Nam ra Bắc" nó "quyến rũ" như thế nào ... Tôi còn nghe chúng bạn nói rằng thầy biết đờn vĩ cầm (violin), tôi chưa được biết nhưng có lần nghe thầy Ấn đánh guitare và hát trong một đêm niên lễ ở Trần Hưng Ðạo, không còn nhớ bài hát gì nhưng có lẽ là một bài tình ca nào đó của TCS.

Sau này ở hải ngoại, nghe Bùi Việt Hùng (người học trò "cưng" nhất của tất cả các thầy cô THD) nói rằng hắn và thầy Ấn sống cùng "bang" ở Hoa Kỳ và vẫn thỉnh thoảng gặp nhau ... Tôi cho rằng BVH là kẻ may mắn - "tha hương ngộ cố tri" đã là thích thú mà hắn lại có cơ duyên được gặp nhiều thầy cô cũ, và nhất là vẫn được "cưng" như thời Dalat ...

Bây giờ bất chợt nghe tin thầy Ðặng Ngọc Ấn qua đời, tôi không khỏi có chút ngậm ngùi ... Xem video ngày tang lễ thấy các cháu nội, ngoại của thầy hát bài Edelweiss tiễn đưa thầy - một ca khúc trong cuốn phim bất hủ The Sound Of Music nói lên lòng yêu nước của người dân Áo phản kháng sự xâm chiếm của Hitler - tôi mới hiểu thấm thía giấc mơ "đi từ Nam ra Bắc" của thầy Ấn ở Dalat ngày nào ...

Small and white clean and bright
You look happy to meet me
Blossom of snow may you bloom and grow
Bloom and grow forever
Edelweiss, Edelweiss
Bless my homeland forever ...

"Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê" (Tản Ðà) -- trăm năm đã đi qua mà một vài ngày Dalat thì lại có chút vấn vương hoài ...

Phạm Trọng Việt
(THĐ 65-72)

(xin các thày cô bấm vào các hình dưới đây để xem hình và các video clips về người thày kính yêu)
Thày Đặng Ngọc Ấn


Hướng Dẫn

Có nhiều trang này có thể bị cắt ngắn. Các bạn có thể đi đến cuối trang bấm vào "Older posts" để xem các đề tài trước đó.
Còn có nhiều đề tài cũ được tóm tắt trong "blog archives" Hay "labels" ở cột bên trái. Các bạn có thể bấm vào các đề mục này để xem.
Nếu các bạn muốn tự mình phát hành các đề tài xin gia nhập để có quyền viết vào "blog" này.